Từ sự tiện lợi đến nỗi ám ảnh về cỏ: Thuốc diệt cỏ trở thành “con dao hai lưỡi”
Gần hai mươi năm trước, sự xuất hiện của thuốc diệt cỏ như một phép màu đối với người nông dân. Nó giúp họ tiết kiệm thời gian, công sức quản lý cỏ dại, gia tăng năng suất trước mắt. Nhưng cũng chính từ đó, một câu chuyện khác bắt đầu, một câu chuyện về sự “lạm dụng” và nỗi sợ hãi về cỏ được hình thành.
Từ đồng ruộng đến ven đường, bất cứ nơi đâu có cỏ, người ta cũng xịt thuốc. Cỏ dại, cỏ ven đường, thậm chí cả những loài cây cỏ có ích cũng không thoát khỏi làn sương trắng độc hại. Thuốc diệt cỏ, từ một công cụ hỗ trợ, dần trở thành “vũ khí” hủy diệt, biến cỏ thành kẻ thù không đội trời chung.
Từ sự tiện lợi che mờ hiểm họa
Sự tiện lợi của thuốc diệt cỏ đã che mờ đi những hiểm họa khôn lường mà nó mang lại. Đất đai bị nhiễm độc, nguồn nước ô nhiễm, hệ sinh thái bị phá vỡ… Chất lượng và độ an toàn về nông sản.
Những cánh đồng, những quả đồi màu mỡ ngày nào giờ đây trở nên cằn cỗi, bạc màu. Cỏ dại biến mất, cùng với đó là sự biến mất của các loài côn trùng có ích, những người bạn đồng hành của nhà nông. Mất cân bằng sinh thái, sâu bệnh bùng phát nhiều hơn – sâu bệnh chúng cũng kháng thuốc, rồi người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn như xoắn ốc, ngày càng bị xoáy sâu vào không thấy lối thoát…
Thuốc diệt cỏ không chỉ hủy hoại môi trường, mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi về cỏ trong tâm trí người nông dân. Cỏ không còn là một phần tự nhiên của đồng ruộng, cỏ cũng không phải là được nhổ – quản lý nữa mà trở thành kẻ thù cần phải tiêu diệt bằng mọi giá. Nỗi ám ảnh này khiến họ lạm dụng thuốc diệt cỏ một cách mù quáng, bất chấp hậu quả.
Hai mươi năm đã trôi qua, từ sự tiện lợi ban đầu, thuốc diệt cỏ đã trở thành nỗi ám ảnh thật đáng sợ…